Lễ hội “Mở mặt” Hát_đúm

Hát đúm liên quan mật thiết đến một phong tục tập quán có từ xa xưa của người tổng Phục, đó là tục che mặt.

Mặc dù ở nơi “ăn sóng nói gió”, sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản từ xưa, nhưng con gái tổng Phục (vùng ven sông Bạch Đằng thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) nổi tiếng với làn da trắng ngần, môi đỏ, má hồng. Để giữ gìn vẻ đẹp, nhất là làn da khỏi xém bởi nắng và gió mặn của biển, từ xưa, chị em phụ nữ, nhất là những cô gái đang độ cập kê, đã dùng những chiếc khăn đen mỏ quạ đội trên đầu và bịt mặt, thế rồi từ đời này sang đời khác hình thành nếp văn hóa, tập tục khắp làng, khắp vùng[4].

Chị em ở tổng Phục che mặt quanh năm, suốt tháng, cũng vì thế đã tạo nên một tính cách kín đáo, e thẹn, giữ gìn… ngược lại hẳn với tính cách của người Hải Phòng “ăn sóng, nói gió”, mạnh mẽ… Chiếc khăn che mặt chỉ được cởi bỏ một lần duy nhất trong một năm, đó là vào dịp hội làng đầu xuân, khi các chàng trai, cô gái gặp gỡ, đối đáp, trao nhau bằng những lời ca, tiếng hát tình tứ. Trong hội hát đúm, nếu chàng trai chiếm được cảm tình của cô gái sau những bài hát, cô gái mở khăn che mặt, đôi nam nữ tâm đầu ý hợp[5].

Trong lễ hội hát đúm, ngoài những câu hát tình tứ, thơ mộng, thì tục bịt khăn che mặt của chị em phụ nữ lại tạo ra sự tò mò, cuốn hút những người xem hội, những chàng trai đến tuổi trưởng thành quanh năm, suốt tháng chỉ thấy các chị em che mặt, giữ gìn. Vì vậy, hội hát đúm ngày xuân còn gọi là hội “mở mặt”. Hội mở mặt được mở vào những ngày đầu xuân hàng năm, từ ngày 4 đến 10 tháng giêng[5].

Ngoài ra, lý giải cho tục che mặt ở đây, có những truyền thuyết còn lưu truyền rằng: xưa trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng, quân xâm lược chết ngả rạ, linh hồn không siêu thoát, thường quấy phá các chị em phụ nữ vùng tổng phục; để tránh tà ma, những người con gái nơi đây che mặt ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ.